Trước hết hãy tự hỏi bản thân nhé, bạn đã từng trải qua cảm giác tim đập nhanh hay căng thẳng khi nói chuyện với crush chưa? Vậy còn lúc "tám chuyện" với đứa bạn thì sao? Bạn có cảm thấy tương tự không? Hay so sánh cảm giác hồi hộp, lo lắng trong phòng thi với lúc bình thường ngồi học trên lớp, khi luyện tập bài thuyết trình ở nhà với thời điểm thực sự đứng trước đám đông và trình bày,... Mặc dù nhìn chung thì ở cả hai trường hợp bạn đều đang thực hiện các hành động quen thuộc, vậy cảm xúc lo lắng là ở đâu mà ra?
Thật ra thì chúng ta chỉ xuất hiện những cảm giác không mấy thoải mái này khi đối diện với những điều thực sự quan trọng với mình thôi. Cảm xúc không thoải mái chứng tỏ rằng bạn đang đi đúng hướng. Rằng những cái bạn đang làm có ý nghĩa, có ảnh hưởng đến bạn.
Nhưng chúng mình lại hay nhầm lẫm cảm giác không thoải mái này với sự bất hạnh, với những điều mang lại nỗi buồn. Nhưng thực tế có phải như vậy không? Có phải vì bạn sợ hãi khi phát biểu trước đám đông nên bạn không hợp khi làm lãnh đạo chứ? Không hề! Có phải vì bạn lo lắng về tương lai khi lên đại học, đi du học hay chuyển sang sống ở một thành phố mới, thì điều đó nghĩa là bạn không nên nắm bắt cơ hội không? Hãy tự mình đặt câu hỏi với những nỗi sợ ấy và tìm ra câu trả lời của riêng bạn nhé!
Như các cụ ta có câu "lửa thử vàng, gian nan thử sức". Chính những cảm xúc lo lắng, hồi hộp, khẩn trương mà bạn đang cảm nhận là minh chứng rõ nhất cho thấy rằng việc đó là điều bạn nên-làm, muốn-làm và cần-làm. Đương nhiên, đã là cảm giác không thoải mái thì khó có thể vượt qua được. Nhưng kết quả mà quá trình này mang lại sẽ vượt xa hơn cả những gì bạn trông chờ đấy! Vậy nên lần tới bạn bắt gặp cảm xúc ấy, hãy đừng lo lắng mà tự động viên bản thân rằng mình đang đi đúng hướng rồi, và cố hết sức mình để làm được điều đó bạn nhé!
תגובות