top of page

Tìm đến Chữa Lành xong vẫn bế tắc?

HỎI: Em đang năm cuối nhưng vẫn rất mông lung về bản thân và tương lai, chưa tìm ra điều gì khiến mình có động lực để làm cho tử tế. Thời gian vừa rồi em đã đi học nhiều kiến thức mới, trong đó có các bộ môn tìm hiểu bản thân như Tâm lý học, Thiền, Chiêm tinh… tiếp nạp nhiều thông tin nhưng vẫn chưa xác định được hướng đi cụ thể nào làm mình thỏa mãn. Mong anh cho em một vài lời khuyên ạ?



ĐÁP: Anh cảm giác giờ tư vấn cho em bằng tâm lý học, thiền, chữa lành hay bất cứ bộ môn nào cũng không để làm gì, nên là thôi nói lai rai chuyện đời nhé.


Một trong những kì vọng vô thức của người đi xin tư vấn, hoặc tham gia học một bộ môn, kĩ năng nào đó, là "cái này sẽ thay đổi/cải thiện/tích cực hóa cuộc đời tôi thấy rõ và nhanh chóng". Kì vọng này là sai lầm, bất khả và chỉ làm chính người đó hoang mang bế tắc thêm.


Cái gì thay đổi em nhanh chóng, thì cũng sẽ trả em về trạng thái cũ nhanh chóng y như thế. Bởi chúng không tạo nên sự "vận động" thực sự trong em, không tác động đến em từ bản chất.


Anh chưa bao giờ tin vào chuyện ai đó "biết chính xác cần làm gì là tốt" sau khi được tham gia một lớp học tâm lý hay đọc xong một quyển sách mới. Ai mà nói với anh như thế thì anh mới thấy lo. Những lời khuyên, những gợi ý em nhận được từ sách vở hay bất cứ ai, dù chí lí và chuẩn xác về chuyên môn đến đâu, cũng hiếm khi lập tức cải thiện ngay đời em. Luôn có một khoảng cách từ lời khuyên đó tới hoàn cảnh sống, tới giai đoạn cụ thể em đang trải qua trong đời.


Ví dụ nhiều năm trước khi có người nói với anh: "Mày nên phát triển một chuyên môn, rồi đi dạy học, đảm bảo phù hợp và hạnh phúc", anh chỉ nghe vậy, nhưng không biết phải làm gì với nó. Vì về hoàn cảnh, điều kiện lẫn thời điểm khi đó, anh không có cách nào để làm theo cả.


Nhưng không có nghĩa lời khuyên đó là vô giá trị. Nó tạo ra trong anh một phản xạ từ đó về sau, mỗi khi có trải nghiệm liên quan đến "chứng tỏ chuyên môn" và "chỉ dạy", luôn để ý xem mình thấy thế nào, có hạnh phúc không? Hình như cũng có hạnh phúc, à thế nghĩ xem mình có thể phát triển xịn chuyên môn nào? Nghiên cứu cái gì thì mình thấy thích?


Cái mà lời khuyên đó mang lại cho anh không phải là một giải pháp, một câu trả lời (vì anh đã làm theo được đâu, đã chứng thực được đâu), mà là những câu hỏi. Nó không khiến anh làm ngay gì đó, mà khiến anh luôn tự vấn, tự quan sát bản thân trong mỗi việc anh làm. Vài năm sau đó anh đi dạy thật, và hạnh phúc thật.


Nhưng giả sử nếu lời khuyên kia là sai, anh vốn không hợp dạy học thì sao? Cũng chẳng sao, vì như đã nói, cái quan trọng là nó đặt ra cho anh những câu hỏi. Trong quá trình sống và tự vấn, anh sẽ tự nhìn ra sự bất hợp lí của nó, và từ việc so sánh đối chiếu mức độ hài lòng của trải nghiệm "chỉ dạy" với các trải nghiệm khác, anh sẽ nhìn ra hướng đi có tiềm năng cho mình.


Bởi vậy, những gì em được khuyên, được học, nếu chưa phát huy ngay tác dụng với em, hoặc em làm theo chưa thấy chuyển biến, thì đừng hoang mang, nó là chuyện hết sức bình thường. Điều quan trọng là nó có tạo ra sự vận động trong em, khiến em có những câu hỏi để tự hỏi. Và thúc em làm gì đó cụ thể, dù làm xong không thấy hài lòng, thấy hối hận, cũng chả sao, miễn là có làm. Vì có làm là có vận động.


Cũng dễ thấy là em đang ở giai đoạn khủng hoảng, thậm chí bế tắc trong đời. Là bình thường thôi em, ai mà chả thế, đời là tuần hoàn có xuống thì mới có lên. Cứ khủng hoảng đi, chính những giai đoạn khó khăn trong đời mới cho em nhiều câu hỏi nhất, dù em chưa thể trả lời ngay. Nhưng sẽ đến ngày em thấy giá trị của những câu hỏi ấy, thấy chúng làm em trưởng thành thế nào. Mà dùng từ "bế tắc" với em cũng không đúng, riêng việc em có đi học nơi này nơi kia, gặp gỡ người này người khác, và cả việc viết ra câu hỏi thế này đăng lên, đã là có làm gì đó. Đã có sự vượt lên bế tắc - bởi đã có sự vận động. Đã có sự tốt lành chuyển động trong em rồi. Chỉ cần em nhớ: đừng trông đợi kết quả ngay.


Lời thì dài, tóm lại có hai câu: Không quan trọng ở việc tìm ra câu trả lời, quan trọng là đặt ra câu hỏi. Và không quan trọng mình làm đúng, quan trọng là mình có làm.

Comments


bottom of page