“𝐓𝐨 𝐡𝐚𝐯𝐞 𝐚 𝐬𝐞𝐜𝐨𝐧𝐝 𝐥𝐚𝐧𝐠𝐮𝐚𝐠𝐞 𝐢𝐬 𝐭𝐨 𝐩𝐨𝐬𝐬𝐞𝐬𝐬 𝐚 𝐬𝐞𝐜𝐨𝐧𝐝 𝐬𝐨𝐮𝐥” ~ 𝐂𝐡𝐚𝐫𝐥𝐞𝐦𝐚𝐠𝐧𝐞. Ngày xưa đi học thầy Vũ, ngay ở buổi đầu mình đã được học một kiến thức khiến mình ấn tượng đến tận bây giờ: Ngôn ngữ, là cách suy nghĩ của một nền văn hoá.
Thế nên, học một ngôn ngữ mới - chính là học cả một cách tư duy và suy nghĩ của một nền văn hoá khác.
Và cũng vì thế, ngôn ngữ mà bạn lựa chọn sử dụng, cũng sẽ ảnh hưởng đến cách tư duy ở trong đầu bạn, hay thậm chí là cách bạn nhìn thế giới.
Mình lấy một ví dụ cụ thể khi muốn nói về tình yêu lãng mạn:
- Tiếng Anh tư duy theo kiểu đường thẳng, rõ ràng, vì A nên B. Khi mình tìm định nghĩa tình yêu lãng mạn ở tiếng anh thì có 1 câu thế này: Romantic love is a complex and powerful human emotion characterized by intense affection, attraction, and desire towards another person. (Tình yêu lãng mạn là một cảm xúc phức tạp và mạnh mẽ của con người, được thể hiện bởi cảm xúc mãnh liệt, sự thu hút và ham muốn đối với một người khác.)
- Tiếng Trung, mình vừa học HSK4 nói về 爱情 (ái tình) thì mô tả tình yêu lãng mạn qua một câu như sau: 年轻人说“浪漫是她想要月亮是,你不会给她星星;中年人说:浪漫是即使晚上加班到零点,到家时,自己家里也还亮着灯;老人说:浪漫其实就像歌中唱的那样,”我能想到最浪漫的事,就是和你一起慢慢变老.” (Người trẻ nói: lãng mạn nghĩa là nếu nàng muốn có mặt trăng, bạn sẽ không đưa cho nàng ngôi sao ; người trung niên nói: lãng mạn là dù có làm tăng ca đến nửa đêm mới về, khi về đến nhà vẫn thấy trong nhà còn sáng đèn ; người già nói: lãng mạn thực ra cũng giống như lời bài hát vậy, “điều lãng mạn nhất mà anh có thể nghĩ tới là ở bên em, từ từ già đi”.)
Chỉ nhìn hai ví dụ trên cùng về một chủ đề, bạn thấy cách diễn đạt của hai ngôn ngữ khác nhau, cũng thể hiện cách suy nghĩ rất khác biệt đúng không?
———
Khi chúng ta phải sử dụng các câu trúc câu khác nhau, tức là lối tư duy suy nghĩ của chúng ta cũng khác nhau nữa.
Khi học tiếng anh, một cái đầu tiên chúng ta học là ngôi thứ nhất là I (tôi) và ngôi thứ hai là you (bạn), không như tiếng việt ngôi thứ nhất có thể là cháu/mình/tớ/cậu/em/con/tao/tôi… và ngôi thứ hai có thể là bạn/bác/chú/cô/cậu/mày/anh/ông… Nếu nói tiếng anh với một người lạ, mình chỉ cần nhớ tôi là I và bạn là you thì ở tiếng việt mình còn phải xem vai vế, quan hệ, tuổi tác của một người trước khi dùng ngôi xưng. Cách sử dụng ngôn ngữ này đòi hỏi ngay bước đầu giao tiếp, mình phải quan sát, phải tư duy và để ý xem người đang nói chuyện với mình là ai, như thế nào. Cũng có lẽ vì thế, người sử dụng tiếng việt tự để tâm và coi trọng chuyện cấp bậc vai vế, tuổi tác hơn so với người sử dụng tiếng anh, bởi vì ngay trong ngôn ngữ từ ngày bé đã dạy tư duy như vậy rồi.
Bạn mình từng kể rằng học tiếng Nhật làm bạn ý trở nên kiên nhẫn và lắng nghe hơn rất nhiều, bởi vì tiếng nhật nói cả câu dài nhưng đến tận cuối câu mới xuất hiện…động từ, nên phải chăm chú lắng nghe từ đầu đến cuối mới có thể hiểu rõ câu đó tường tận. Học tiếng nhật nhờ đó giúp bạn cũng học được sự chậm rãi, cẩn thận, chỉn chu của người nhật.
Hôm qua mình đọc một bài siêu hay của bé MiniVan về việc học tiếng Hàn, cũng chỉ ra rằng tiếng Hàn sử dụng rất nhiều “Woori 우리" - nôm na là "chúng tôi”, thay cho việc cùng chữ tôi, từ đó những người quen sử dụng tiếng hàn cũng sẽ có tư duy về tập thể, cái chung nhiều hơn tư duy cá nhân của người sử dụng tiếng anh. Bài viết rất chất lượng, mọi người có thể đọc ở đây nè: https://www.facebook.com/photo/?fbid=1193650121941097&set=a.774012903904823)
Vậy thì, khi học một ngôn ngữ, bạn hông chỉ học được một công cụ mà còn học được một lối tư duy mới, một cách dùng não và nghĩ mới. Đối với mình, điều này kỳ diệu lắm. Nó mở ra biết bao nhiêu cơ hội để phát triển.
———
Người yêu mình Thach M Truong là thầy giáo dạy tiếng anh, bạn ý có nói một điểm rằng: Để học được ngôn ngữ mới dễ dàng hơn - hay nói cách khác là tiếp thu một lối tư duy mới thì bạn càng cởi mở càng tốt. Bạn ấy chưa từng thấy một người nào open minded - cởi mở mà lại dở ngôn ngữ cả.
Bạn lấy ví dụ ngay từ bố ruột của bạn. Bạn nói rằng bố bạn đã hơn 60 tuổi rồi, về hưu rồi, công việc và cuộc sống hiện tại của bố bạn hoàn toàn không có lý do gì cần để phải học tiếng anh cả. Thế nhưng, bố bạn vẫn rất nỗ lực học tiếng anh mỗi ngày. Đơn giản chỉ là vì mỗi bữa ăn, khi bạn và anh trai bạn trò chuyện hay sử dụng tiếng anh nhiều hơn tiếng việt. Bố học tiếng anh, đơn giản chỉ để hiểu hơn những gì hai người hai đứa con trai của bố đang nói. Đó, đơn giản là một nỗ lực để hiểu hơn về con, kết nối thân thiết hơn con mình. Bạn biết điều này, nên bạn trân trọng việc bố học tiếng anh lắm.
Muốn hiểu hơn, mở lòng hơn, kết nối hơn - dù là với một người thân hay một nền văn hoá mới, đó là nền tảng để bạn bắt đầu học ngôn ngữ. Bạn muốn học giỏi một ngôn ngữ, bạn phải có mong muốn tìm hiểu, sự tò mò với lối suy nghĩ, ham mê với nền văn hoá đó hay mong muốn kết nối với những người đó.
Người yêu mình bảo người yêu mình dở tiếng việt, vì bạn ý có nhiều định kiến với con người và văn hoá việt nam, nên cũng hay chê và ít sử dụng tiếng việt, nên tự nhiên dở thôi. Nếu bạn có định kiến hay hơi phán xét một chút, thì việc cởi mở ra tiếp nhận một lối nghĩ - cấu trúc mới hay ngôn ngữ mới cũng trở nên khó khăn hơn nhiều.
Cũng như vậy, mình có rất nhiều năm học tiếng anh trên ghế nhà trường nhưng học mãi không vào, vì mình không có sự đam mê với tiếng anh. Thế rồi một ngày lên mạng cày phim, xem phim US UK hay quá, nghe nhạc mê quá, tự nhiên vì ham mê xem phim hay đọc truyện phần mới mà chưa có bản dịch tiếng việt, nên phải đọc/nghe bằng tiếng anh. Thế là tiếng anh nó tự trở thành một phần của mình thôi. Cũng có rất nhiều bạn cảm thấy cách tư duy bằng tiếng anh thuận ý mình hơn (tư duy tuyến tính rõ ràng mạch lạc logic mà), nên trong đầu cũng nghĩ bằng tiếng anh, và từ đó sử dụng tiếng anh tốt hơn tiếng việt.
Mình cũng có một bà chị Nguyễn Ngọc Minh , lúc hỏi sao chị học tiếng trung giỏi thế chị bảo chị chả học giáo trình nào, nhưng chị mê trung quốc từ nhỏ rồi. Từ xưa xem phim kiếm hiệp cung đấu, đã tự nói theo nhớ từ nhớ chữ, thế là cứ tự nhiên mà tiếng trung thành một phần của chị thôi.
Vậy bí kíp nào để học ngôn ngữ giỏi nhỉ? Mình nghĩ đó là sự cởi mở và tò mò. Mình muốn kết nối, muốn khám phá, muốn học hỏi, muốn MỞ LÒNG cho ngôn ngữ đó. Thì từ từ, sẽ có cách nó trở thành một phần của mình.
À sự cởi mở ở đây cũng có một ý là đừng sợ sai nữa nhé. Hồi xưa mình học tiếng anh cứ sợ sai, nên dốt hoài. Bây giờ thì mình tự thấy bản thân học tiếng trung nhanh hơn rất nhiều, vì lớn rồi trưởng thành mình nhận ra, sai là chuyện bình thường đúng mới là chuyện bất thường. Càng tò mò và không ngại ngần, thì càng dùng nhiều, càng áp dụng được, càng mở ra được nhiều thế giới mới.
Và mình trích lại câu châm ngôn đầu của Charlemagne “Có thêm ngôn ngữ thứ hai là sống được thêm một cuộc đời khác” - học ngôn ngữ sẽ giúp bạn có thêm một bộ não, một con người khác, một thế giới quan khác và điều này có khả năng mở ra những tiềm năng vô hạn của trí tuệ và tri thức đó.
___
Các khoá học của Viết chữa lành: https://www.vietchualanh.vn/khoa-hoc
Commentaires