top of page

Kí ức của bạn là thứ ít đáng tin nhất

Một trong những điều buồn nhất tôi từng học được, đó là bộ não con người được lập trình để nhớ về những kí ức tiêu cực nhiều hơn tích cực.


Theo Tâm lý học tiến hóa, đó là một phần của bản năng sinh tồn: nó giúp ta né tránh những trải nghiệm xấu tương tự có thể xảy đến trong tương lai. Bạn dĩ nhiên sẽ nhớ lần nghịch ngu bị chó cắn hơn là những lần nô đùa vui vẻ với chó.


Nhưng điều đó cũng có nghĩa là khi nhìn lại một câu chuyện, một mối quan hệ, bạn sẽ luôn nhớ về những nỗi buồn, những đau đớn, những tổn thương hơn là những phút giây hạnh phúc.


Nhưng đó chưa phải điều tệ nhất.


Bạn không chỉ nhớ nhiều về những kí ức tiêu cực. Bạn còn TẠO RA thêm chúng.


Khái niệm này trong Tâm lý học thần kinh gọi là “trí nhớ tái tạo” (reconstructive memory). Theo đó khi ta cần truy xuất (retrieval) dữ liệu từ bộ nhớ của mình, đầu tiên ta sẽ rút ra những thông tin ta nhớ rõ, sau đó điền vào những khoảng trống mà ta quên lãng/mơ hồ bằng những thông tin ta tự tạo dựng nên. Những thông tin tự tạo này là những gì ta cho rằng hợp lí, hoặc nghĩ là phù hợp với các thông tin có sẵn.


Chẳng hạn khi hồi tưởng cái ngày tai họa đó, bạn chỉ nhớ rõ là bạn đã nhặt được một cái que to tướng, và một lúc sau thì bạn bị chó cắn. Trí nhớ của bạn sẽ tự “điền vào chỗ trống”, rằng hẳn bạn đã dùng cái que đó chọc chó nên mới bị ngoạm. Hợp lí vãi. Dù những gì thật sự diễn ra là bạn đã vứt cái que đi và cầm gạch ném chó.


Giờ hãy nhìn bức ảnh minh họa (mà tôi tự photoshop, đẹp hem).


Tưởng tượng kí ức của bạn về một câu chuyện nào đó là bức tranh ghép hình này. Do cơ chế ưu tiên ghi nhớ trải nghiệm tiêu cực, những mảnh ghép buồn khả năng cao sẽ xuất hiện nhiều hơn những mảnh ghép vui. Các mảnh ghép bị thiếu tượng trưng cho những kí ức bạn quên lãng/mơ hồ. Khi cần nhớ lại cả câu chuyện, bạn sẽ tái tạo các kí ức trống này. Bằng cách gì thì bạn biết rồi đấy – bịa ra chúng.


Và vì kí ức buồn chiếm đa số, khả năng cao một kí ức trống sẽ được kẹp giữa bởi các kí ức buồn. Như ở đây kí ức trống số 2 là cầu nối giữa hai kí ức buồn 1 & 3.


Vậy kí ức 2 sẽ là vui hay buồn?


“Anh ấy quên ngày kỉ niệm của bọn mình vào tháng 8, và nặng lời mắng mình vào tháng 10. Vậy suốt tháng 9 chắc cũng chỉ toàn giận dỗi cãi cọ thôi”. Đó là cách não bộ bạn sẽ hoạt động.


Và một mảnh ghép buồn nữa ra đời.


Và những gì anh ấy có thể đã nỗ lực làm cho bạn, những phút giây hạnh phúc hai người từng có, tháng 9 đó, tan vào hư vô.


Có cách nào thay đổi điều đó không?


Tôi không biết.


Tôi chỉ đoán rằng mỗi khi nhìn lại một câu chuyện nhiều nỗi buồn và đau thương nào đó, chúng ta có thể tự nhắc mình rằng, có thể, hoặc chắc chắn, đã có nhiều niềm vui ở đó hơn ta nghĩ. Đã có nhiều lòng tốt hơn. Đã có nhiều nỗ lực hơn. Đã có nhiều thương yêu hơn.


Và chúng ta sẽ biết mình may mắn nhường nào, mỗi lần chúng ta nhớ ra, hoặc được gợi nhắc về một kí ức hạnh phúc ta từng có.


Trong mắt tôi, điều đó, là cả một đặc ân.


(Cho tất cả những điều không một ai nhớ tới)

Comments


bottom of page