top of page

Hiểu đúng về sống chuẩn: Kỳ vọng và Hy vọng (Expectations vs Hope)

Liệu bạn có phân biệt được 2 khái niệm này?


Kỳ vọng


Kỳ vọng là mong chờ một điều gì đó mà bản thân không kiểm soát được. Nó là một bản hợp đồng tự thân theo hướng “tôi sẽ không ổn cho đến khi chuyện này xảy ra hoặc chuyện kia không xảy ra”


Lấy ví dụ xíu nhé, mình kỳ vọng bạn sẽ đến buổi học. Nên nếu bạn không đến thì mình sẽ không vui. Mình sẽ buồn, phật lòng.

Ví dụ khác nè: Bạn kỳ vọng chuyến bay sẽ không bị huỷ, nên lúc chuyến bay bị huỷ thì bạn sẽ rất bực.


Kỳ vọng là một trạng thái mà bạn sẽ bị ảnh hưởng bởi kết quả. Giống như đại văn hào William Shakespeare đã từng viết “Kỳ vọng là ngọn nguồn của mọi đau thương” – Expectation is the roots of all heartaches. Thế nhưng, ai mà chẳng kỳ vọng. Ai mà chẳng có mong muốn. Nó là một phần tất yếu của bản năng con người.


Khó mà có thể sống “không kỳ vọng”. Nếu có, đơn giản là bạn tự lừa dối bản thân thôi. “Không kỳ vọng” là một cơ chế tinh vi của tâm trí để lảng tránh cảm giác thất vọng. Thế nhưng, có cách nào để sống mà không thất vọng không, trừ khi bạn chả quan tâm đến bất cứ cái gì. Mà chả quan tâm tới cái gì thì đâu gọi là thực sự sống. ‘Không kỳ vọng’ chưa bao giờ là giải pháp cả.


Hy vọng


Bạn có thể để ý thấy kỳ vọng thì khá nghiêm túc. Một bí kíp để bỏ qua sức nặng của kỳ vọng là phải nhớ rằng bên cạnh kỳ vọng, bạn luôn có thể hy vọng.


Hy vọng cho một điều gì đó đơn giản là cảm thấy hạnh phúc với khả năng điều đó xảy ra. Hy vọng đơn giản, nhẹ nhàng, dễ chịu. Chỉ là bạn hy vọng cái gì đó không có nghĩa là nó sẽ xảy ra, nhưng chả sao cả. Hy vọng không cần phải thực sự xảy ra và nếu nó xảy ra thì thật tuyệt. Khi bạn hỏi về hy vọng và ước mơ của một ai đó, ánh mắt họ bừng sáng, và thế là đủ.


Hy vọng và kỳ vọng khác nhau như thế nào?


Một cách đơn giản hơn để biết một người khác đang hy vọng hay kỳ vọng một điều gì đó là bạn chỉ cần nhìn phản ứng của người ta khi kết quả không như ý mình mong muốn. Ví dụ nhé: Việc tớ muốn là tối nay bạn trai tớ sẽ gọi điện cho tớ rủ tớ đi chơi. Kết quả là tối nay bạn trai của tớ không gọi.


Trường hợp 1: Nếu đây là chuyện tớ hy vọng, thì bạn ý không gọi tớ cũng không buồn, chả sao cả. Cảm xúc của tớ không bị ảnh hưởng bởi kết quả.


Trường hợp 2: Nếu đây là chuyện tớ kỳ vọng, chắc chắn tớ sẽ có một chút cảm giác thất vọng, bức bối, không vui, khó chịu trong người. Rõ ràng, tớ muốn mọi thứ khác đi và cảm xúc của tớ bị ảnh hưởng bởi kết quả.


Đây là một cách khác để phân biệt bạn nhé. Khi tớ chơi một trò chơi tớ thích, tớ có hy vọng thắng không? Có chứ. Tớ có kỳ vọng thắng không? Chắc là không. Có quan trọng không? Cũng không nốt. Quan trọng là tớ được chơi thôi!


Thế thì khi nghĩ về một chuyện, để biết nó là hy vọng hay kỳ vọng, hãy lắng nghe cảm giác cơ thể của bạn. Bạn có cảm giác nhẹ nhàng, phóng khoáng vui tương hay cảm giác nặng nề, đè lên người bạn? Cảm giác đầu tiên là hy vọng, cảm giác sau đó là kỳ vọng. Chúng ta cần cả hai trong cuộc sống, dù rõ ràng là tớ thích hy vọng hơn. Tớ nghĩ là, tớ có thể khẳng định rằng chúng ta có thể sống mà không có kỳ vọng, nhưng chẳng thể tồn tại trên đời này nếu không có hy vọng.


Tìm kiếm hy vọng ở đâu?


Joseph Campbell, một giáo sư văn học nổi tiếng đã từng chỉ cách đi tìm hy vọng. Ông nói: “Dõi theo hạnh phúc của bạn” (Follow your bliss). Sau đó, những năm cuối đời, ông sửa lại câu nói của mình thành “Hãy dõi theo những đau khổ của bạn” (Follow your blisters) .


Ý của ông đơn giản là nếu ta đi theo hạnh phúc của mình, chắc chắn đó sẽ là một con đường dài đầy thách thức, nơi các sỏi đá cuộc đời sẽ làm phồng rộp đôi chân bạn. Đây không phải là một hành trình dễ dàng hay một con đường trải đầy hoa hồng, nhưng quả thực nó là một hành trình đáng để đi.


Vậy nên, nếu bạn đang tìm kiếm hy vọng, đôi khi nó sẽ thật thoả mãn, nhưng đôi khi nó sẽ đau đớn và làm bạn tổn thương. Tất nhiên, nếu bạn chọn đi khai quật một hy vọng đã được chôn chặt từ lâu, nó có thể chạm vào một lớp tổn thương ban đầu. Một khi bạn nhận ra điều đó, bạn vẫn sẽ tiếp tục bị tổn thương và đau đớn cho đến khi bạn hướng đến tận cùng con đường và đạt được thoả mãn cuối cùng.


Khác với cảm giác chán chường khi kỳ vọng không được thoả mãn, nhưng hy vọng không được để ý giống như một cảm giác khó chịu dai dẳng khi thiếu thốn một điều gì đó. Nó như là việc bạn đi ra khỏi nhà, bứt rứt không rõ hình như mình đã bỏ quên một cái gì đó.


Thật buồn khi nghĩ đến cảnh chúng ta có thể sống mà không có hy vọng. Còn buồn hơn khi thấy trong cuộc sống, có nhiều người vẫn đang sống như vậy. Thế nhưng, hy vọng vẫn luôn tồn tại. Cho dù ta có quên lãng nó đi, hy vọng vẫn ở đây, không bao giờ bị chôn chặt hay biến mất quá xa. Ta sẽ luôn tìm thấy nó khi ta bắt đầu tìm kiếm.


Hy vọng vẫn luôn ở đó. Hy vọng sẽ luôn sống mãi.


Lớn là khi tớ là học cách bình thản khi kết quả có được hay không được như mình kỳ vọng. Và lớn cũng là khi tớ học cách cho bản thân được hy vọng mà không bị quá sa lầy vào việc liệu nó có xảy ra hay không.


Tớ mong bài viết này sẽ giúp bạn được phần nào. Hy vọng rằng, bạn sẽ không bao giờ quên việc ‘hy vọng” trong cuộc sống. Vậy thì hãy chia sẻ nào, bạn đang hy vọng điều gì?


(Bài được lược dịch và viết lại bởi Mto. Bản gốc tiếng anh của Khuyen Bui ở đây: https://medium0.com/@khuyenbui/expectation-hope-c5d028b3ae26)

Comments


bottom of page