Mình nghĩ là nhiều người trong chúng ta hơi kém trong việc đối mặt và xử lý các cảm xúc tiêu cực. Mỗi khi chúng ta rơi vào trạng thái đau khổ, buồn bã hoặc cảm thấy khổ sở, ta thường cố gắng vật vã tìm cách nào nhanh nhất có thể để ngắt mình khỏi cảm xúc ấy. Có một số chiến thuật điển hình mà mọi người sử dụng như là:
1. Đổ lỗi:
Thực ra thì có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến ta đổ lỗi cho người khác vì những đau khổ của bản thân mình. Nhưng theo mình, một trong các nguyên nhân lớn nhất là để đánh lạc hướng cảm xúc của bản thân. Khi ta đổ lỗi cho ai đó, thậm chí chê trách hay chửi mắng ai đó, cảm xúc “tức giận” của chúng ta sẽ bắt đầu thức dậy. Nếu như coi mọi trạng thái cảm xúc đều có hình hài năng lượng riêng, thì mình thấy là cảm xúc “tức giận” nó có năng lượng mạnh và khoẻ hơn so với cảm xúc “đau khổ”. Và khi cảm xúc “tức giận” xuất hiện, nó sẽ xua bớt, đè nén hoặc át đi cảm xúc “buồn thương” trước đó. Khi cảm xúc tức giận xuất hiện, tâm trí sẽ tự động kích hoạt cơ chế “chiến binh”, nghĩ ra hàng trăm lí lẽ bảo vệ bản thân và tấn công người khác (kẻ địch). Lúc ấy mình cảm thấy có quyền lực hơn mà không cảm thấy yếu đuối, dễ bị hạ gục, dễ bị người khác thao túng điều khiển như khi mình đang bị cảm xúc “buồn thương” chi phối.
Ví dụ thế này. Mấy tháng trước, em chó cưng của gia đình mình chết vì ăn phải bả. Gia đình mình đau lòng và thương em nó kinh khủng. Nhưng thi thoảng nói chuyện về nó, mình và người nhà lại trách kiểu “chó ngu”, “ngu si, ăn lung tung nên mới bị thế”. Tự lí trí biết điều đó là không đúng, nhưng mình để ý khi mình trách móc như vậy, trong lòng bắt đầu cảm thấy hơi giận và cảm xúc thương cũng bớt đi trong khoảnh khắc. Mình đã không hề muốn đón nhận cảm xúc “thương” ấy chút nào. Bởi lúc “thương” thì sẽ muốn làm gì đó để “bù đắp”, “giúp đỡ”, “hỗ trợ” đối tượng (cơ chế tự nhiên của con người) nhưng hoàn cảnh thực tế thì mình lại không thể làm gì được nữa. Nên càng thương lại càng thấy bế tắc, khó chịu. Cuối cùng chọn cách “đổ lỗi” cho em chó để có thể giận em và bớt thương đi.
2. Né tránh:
Cơ chế né tránh này thì rất phổ biến này. Ta sẽ có xu hướng không thích nói về vấn đề của mình với ai, ai hỏi động đến thì mình lảng đi vì không muốn nghĩ tới. Thậm chí ai hỏi nhiều quá thì ta còn nhảy dựng lên và tấn công đối phương. Ta sẽ né như thế cho đến khi tâm trí ta “quên dần” về chuyện đó. Còn nếu thời gian quên lâu quá thì cơ chế né tránh của ta hoạt động ngày càng mạnh: Ta không chỉ né tránh nói về vấn đề của mình mà còn né những người có vấn đề tương tự, né các loại phim ảnh sách báo truyền thông hay bất cứ cái gì, sự kiện gì, mối quan hệ nào gợi nhắc ta nhớ đến cảm xúc đó. Nhiều khi mình còn né yêu đương, né hẹn hò, né gặp gỡ người khác là vì vậy. Không phải là mình ghét người đó đâu, mà mình ghét đối diện với vấn đề bên trong mình.
Cách né tránh cảm xúc kiểu này thì giúp bạn tạm thời không phải chịu đựng cảm xúc ấy ngay bây giờ nhưng tự bạn thừa biết là nó vẫn lù lù ở đấy. Rồi đến khi nó phình to quá mức rồi và vô tình bị chạm vào, nó sẽ nổ tung toé tanh bành. Be bét luôn.
3. Đánh lạc hướng:
Cơ chế này cũng là một kiểu cơ chế phổ biến mà mọi người hay sử dụng. Ví dụ như buồn quá, đau lòng quá, không biết phải làm sao nên uống ly rượu, làm tí thuốc lắc, lướt Face, đọc lá cải, làm việc cho đỡ buồn thôi, ra ngoài mua sắm ăn cho nứt bụng nào. Ai buồn tình, đau lòng vì anh A thì chọn cách yêu ngay một anh B. Nghe thì có vẻ hiệu quả nhưng cũng chỉ là đánh lạc hướng cảm xúc. Yêu anh mới để quên anh cũ không bao giờ là một cách khôn ngoan. Vì thế này: Bạn có thể quên anh cũ nhờ vào anh mới nhưng cảm xúc buồn, chỗ tổn thương bên trong bạn do anh cũ tạo ra thì nó vẫn ở nguyên đấy. Nên bạn sẽ bê con Tim vỡ vụn đấy của mình lết từ cuộc tình này sang cuộc tình khác. Rốt cuộc thì yêu ai cũng không ra hồn.
Có một điều không biết mọi người có nhận ra không, nhưng các cảm xúc của chúng ta hoạt động cực kì độc lập: Tức giận, buồn, thương, đau khổ, hạnh phúc, phấn khích. Hãy tưởng tượng tâm hồn mình giống như một cái nhà ấy, và lần lượt có những anh bạn cảm xúc tới thăm. Hôm nay bạn mới bị người yêu phản bội, thế là cô nàng “đau đớn” đến ghé thăm nhà bạn xong ở lì đấy. Cổ làm cho cả cái nhà bạn u ám theo. Bạn không muốn nói chuyện hay đối diện với cổ vì bạn sợ tổn thương, nên bạn quyết định làm tí rượu để gọi anh “phấn khích” tới chơi. Nhưng vấn đề là cô “đau đớn” chưa được nói chuyện với bạn để giải toả nên cổ ở lì đấy không đi cơ, ờ. Bạn cố gắng tập trung chơi với anh “phấn khích” nên bạn không nhận ra là cô “đau đớn” đang ở đó, chui dưới gầm bàn và làm nhà bạn tối thui. Bạn cũng không nhận ra rằng, dù bạn có mời ai đến: phấn khích, hạnh phúc hay sung sướng thì họ đều không ở lại được lâu vì nhà bạn càng lúc càng tăm tối. Đến lúc nó tối đến nỗi ko có bất kỳ anh bạn Niềm vui nào mò tới được, bạn mới tá hoả gọi cô bạn “đau đớn” ra nói chuyện thì muộn mất rồi. “Ting”, cánh cửa nhà bạn bật mở và trước mặt bạn là anh “Trầm cảm”. Anh này đã đến mà muốn mời anh đi cho thì còn khó khăn hơn gấp bội !
Commentaires