top of page
Nana 3B

Giáo dục cảm xúc cho trẻ con

Mấy ngày gần đây, cộng đồng mạng chia sẻ về câu chuyện một cô gái bị một em bé một tuổi đổ nước vào chiếc Macbook.


Ai cũng tập trung vào cuộc chiến giữa cô gái và bà mẹ, nhưng trong câu chuyện này, nguồn cơn của mọi sự, nhân vật chính của chúng ta lại là một đứa trẻ mười mấy tháng, vẫn còn đang bi bô tập nói.


Khoan nói đến những drama của người lớn, đến cộng đồng mạng, đến ai đúng ai sai, hãy dành một phút để nghĩ xem chúng ta đang dạy cho những đứa trẻ cái gì đây?


1. Trẻ con không biết gì


Đây là câu nói cửa miệng của rất nhiều người. Bản thân bà mẹ trong câu chuyện này cũng dùng tư tưởng này để phủi phui trách nhiệm và hậu quả gây ra.


Trẻ con không phải “không biết gì" mà là “chưa” biết gì. Trên thực tế, những đứa trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 6 tuổi, học rất nhanh, và học bằng cách bắt chước người xung quanh. Vô hình chung, khi mặc định là trẻ con không biết gì, chúng ta thường dễ dàng dung túng cho những hành động vốn không chấp nhận được như phá hoại, đánh người, ăn vạ,... Hoặc ta sẽ dung túng cho bản thân và người khác trong cách cư xử và ăn nói với trẻ, điềm nhiêm doạ dẫm, nói xấu, chiều hư, đánh mắng,…


Nếu người lớn đối xử với những đứa trẻ như thể chúng là một lũ ngốc, bất tài, vô dụng, vô trách nhiệm, đụng đâu hỏng đó, thì đó sẽ là cách mà chúng lớn lên.


Nếu chúng ta đối xử với trẻ như thể đó là những con người riêng biệt, biết suy nghĩ, có trách nhiệm, và đang trong quá trình tìm tòi học hỏi, thì đôi lúc chính chúng ta sẽ phải ngạc nhiên với khả năng của trẻ.


2. Cứ xin lỗi là xong


Bản thân bà mẹ trong câu chuyện này chính là một tấm gương to đùng phản chiếu việc có rất nhiều người cứ nghĩ xin lỗi xong là xong, xin lỗi xong mặc nhiên người kia phải tha thứ cho mình. Có nhiều người sau khi xin lỗi mà không được ngay lập tức tha thứ còn quay sang trách ngược, “đã xin lỗi rồi còn muốn gì nữa?”


Lời xin lỗi quan trọng vì nó chứng tỏ rằng một người đã dám đối diện với vấn đề. Nhưng không ít người lại xin lỗi cho có, xin lỗi cho xong, xin lỗi để tránh phiền phức, tránh áp lực, xong lần sau lại phạm lại y sì lỗi đó.


Một câu xin lỗi không thể khiến gương vỡ trở nên lành lại, hay khiến một vết đâm tự nhiên hết chảy máu. Quan trọng hơn là hành động để thu dọn hiện trường, đền bù tổn thất, làm lành vết thương, và chứng tỏ rằng mình thực sự có trách nhiệm, biết quan tâm và hối lỗi.


3. We are responsible for a human being - chúng ta đang có trách nhiệm với một con người bằng xương bằng thịt


Qua câu chuyện này cũng có không ít lời nói về việc họ ghét trẻ con, có con không biết giữ thì đừng đẻ, nếu không thể quản lý được con thì đừng cho nó ra ngoài,…


Nghe thì có vẻ hợp lý, nhưng trên thực tế chúng ta đang quên mất rằng chúng ta cũng từng là những đứa trẻ, chúng ta đã đang và sẽ luôn sống một một thế giới tràn ngập trẻ em, và trẻ em chính là tương lai của thế giới.


Có một câu tục ngữ tiếng anh là: It takes a village to raise a child - cần cả làng để nuôi dạy một đứa trẻ. Những ngày mình còn bé, vì bố mẹ lúc nào cũng đi làm đến tối, mình được bác hàng xóm nuôi ăn ở cả ngày, cả lũ trẻ con xóm được thả nhông nhông ngoài đường cho đến giờ ăn tối, có thể ùa vào nhà nhau chơi bất cứ lúc nào. Khi có việc gì xảy ra với một đứa trẻ trong ngõ, mọi người xung quanh đều sẽ một tay một chân mà giúp.


Thế nhưng trong xã hội bây giờ, mọi người ngày càng bận rộn. Khi ngay cả thời gian cho chính bản thân mình còn không có thì họ càng trở nên thờ ơ lãnh đạm với những người xung quanh. Việc nuôi dạy trẻ ngày càng bị thu hẹp lại thành ra việc riêng của mỗi gia đình. Mức sống ngày càng cao khiến cho bố mẹ càng phải lao đi kiếm tiền, hầu hết mọi người đều quá bận rộn và mệt mỏi để thực sự dành thời gian cho con. Những đứa trẻ ngày càng cô đơn, và bố mẹ ngày càng bị nhiều áp lực.


Xã hội hiện đại khiến cho đời sống càng ngày càng được cải thiện, nhưng điều đó không có nghĩa là một đứa trẻ đang được nuôi dạy và chăm sóc tốt hơn.


Nuôi một đứa trẻ không đơn giản như việc nuôi con chó con mèo. Đó là một con người với suy nghĩ hẳn hoi, và chẳng mấy chốc cũng trở thành người lớn. Vậy nên càng ngày có con hay không càng trở thành một bài toán đau đầu cho những cặp đôi. Đôi khi vì áp lực từ bạn đời, gia đình và xã hội, có rất nhiều người dù không muốn hoặc không có khả năng vẫn tặc lưỡi có con. Có thì dễ rồi, nhưng làm sao để nuôi dạy cho tốt thì chẳng ai dám đảm bảo.


Một bà chị của mình từng đùa, nếu không thể dạy con nên người tử tế, thà rằng nó ngu dốt, nhặt lá đá ống bơ thì nếu nó có ác, có ăn hại thì cũng chỉ lừa được người ta vài trăm dăm chục. Còn nếu nó thông minh sáng láng, học vấn uyên thâm, sau này nó lại thành chuyên gia lừa lọc, tội phạm quốc gia, thì đúng là báo hại cho đời.


Vậy nên, dù có con hay không có con, hy vọng những người lớn chúng ta đều nhận thức được rằng những điều chúng ta làm và dạy cho trẻ sẽ quyết định sau này chúng lớn lên có trở thành một người tử tế hay không.


Và điều đó cũng chứng tỏ rằng chúng ta có phải là người tử tế hay không.

Comments


bottom of page