Các cụ thường bảo một điều nhịn thì chín điều lành. Nhưng các cụ lại quên dặn, nhịn ở đây là cho nó qua, chứ không phải nhịn ở trong lòng. Nên chúng ta cứ hay làm sai, một lần nhịn là mười phần ấm ức. Nó cứ như cái hạt giống ấp ủ trong người, xây dần lên cái bãi rác cảm xúc, độc hại và lắm tiêu cực.
Anh mình bảo, mọi người thường ít khi quyết định lúc lý trí lắm. Mà thường quyết lúc cảm xúc ứa tràn. Ví dụ nhé, ta muốn nghỉ việc từ hơn nửa năm rồi. Nhưng mà ta chờ, ta đợi, ta hợp lý hoá cho đến khi nó phù hợp nhất về mặt lý trí. Để rồi 1 buổi chiều mưa sếp mắng được 2 câu, cảm xúc nó dồn như giọt nước tràn ly rồi lúc đó ta gào lên ta chẳng thể làm được nữa. Khi đó, là cảm xúc quyết chứ nào còn là lý trí nữa đâu. Vài ngày sau, ta có thể tập hợp 10 vạn 8 ngàn lý do hợp lý để nghỉ. Nhưng mà lúc đỉnh điểm thời khắc đó xảy ra, thì ta đang méo có lí trí gì hết. Mà vì thế, nên dù quyết đúng hay sai, cảm xúc cũng mang đến nhiều sức công phá khủng khiếp. Có lẽ, những cuộc hôn nhân kết thúc êm ấm thường là khi mình bình tĩnh cùng ngồi nói rằng chúng ta không còn phù hợp ở bên nhau. Thế nhưng, 90% các cuộc ly hôn thường xảy ra với một tai nạn, sự cố hoặc những màn khóc lóc tang thương hay giận dữ bùng nổ. Chúng ta bắt đầu một điều quan trọng vs suy nghĩ cẩn thận, nhưng lại thường kết thúc hay quyết định một vấn đề khi cảm xúc dâng trào.
Trong cuộc sống mỗi ngày, mình học hỏi tiếp nhận nhiều thứ tuyệt vời và cũng lắm thứ rác rưởi. Giống như ăn vào thì phải có ỉa ra, tương tác với người thì cũng phải có lúc khó chịu. Mà khó chịu thì phải xả. Nếu về mặt sinh học, từ bé bố mẹ đã dạy ta học được bài học mỗi ngày có vài phút riêng tư kín đáo trong nhà vệ sinh, để xả hết ra chất thải trong người chứ không nhịn ỉa để rồi gặp tai nạn giữa chốn đông người thì về mặt tâm lý học, chúng ta lại ít khi được học cách xả đi những tiêu cực căng thẳng trong người mỗi ngày. Có người biết làm nó, nhưng cũng có người nhịn quá lâu để rồi một ngày không thể nhịn được nữa, nó nổ tung như một trái bom có sức công phá khổng lồ. Nó ghê tởm, bẩn thỉu, ảnh hưởng đến những người ta yêu quý nhất. Để rồi sau tai nạn là những tiếc nuối, nhục nhã và đau khổ. Có lẽ, dù lớn hay nhỏ, ta cũng cần học lại cách xả ra những khó chịu mỗi ngày, trong một góc riêng an toàn của chính bản thân, để cho cuộc đời đẹp hơn, và cân bằng nữa.
Comments