top of page

Đừng tha thứ

Một bạn gái kể với thầy mình rằng bố bạn đã phụ bạc bỏ rơi vợ con, hồi nhỏ còn đánh đập hành hạ bạn. Bạn hỏi làm sao để tha thứ được cho bố.


“Đừng tha thứ,” thầy nói nhẹ bẫng.


“Vì khi tha thứ, bạn đang đặt bản thân lên cao hơn bố bạn. Làm sao con cái có thể đặt mình cao hơn cha mẹ? Con cái không có quyền phán xét cách cha mẹ chọn sống đời mình. Và khi bạn tha thứ, bạn đang hợp thức hóa hành động của ông ấy, và hợp thức hóa cho những nỗi đau bạn phải chịu.”


Lời thầy khiến mình bị sốc, vì chưa từng nghĩ theo cách này. Nhưng càng ngẫm càng thấy nó đúng, cho mọi mối quan hệ chứ không chỉ con cái với cha mẹ. Sự tha thứ, điều mà chúng ta hầu hết được dạy rằng thật tốt đẹp, kì thực ẩn chứa rất nhiều vấn đề.


Thứ nhất, nó đặt bạn lên cao hơn người kia từ trong vô thức. Nó cho bạn một ảo giác rằng bạn cao cả, bạn cư xử cao thượng, bạn đang ban ơn, và cảm giác cao cả đó xoa dịu nỗi đau của bạn. Một sự xoa dịu không thực chất.


Thứ hai, nó hợp thức hóa cho hành động của người kia, và hợp thức hóa cho cả nỗi đau bạn phải mang. Bạn tha thứ, tốt quá. Nhưng còn những tổn thương của bạn thì sao? Chúng trở nên vô nghĩa sao? Ai đòi công bằng cho chúng?


Thứ ba, nó có thể khiến bạn không đối mặt với những lỗi sai của bạn trong câu chuyện. Khi tâm trí bạn chú tâm vào sự tha thứ, nó sẽ tự đánh lừa rằng bạn là nạn nhân, người kia có lỗi, bạn thì không. Không có câu chuyện nào chỉ có một thủ phạm và một nạn nhân, và khi bạn gật đầu tha thứ cho người kia, khả năng cao là bạn cũng ngoảnh đầu khỏi những lỗi lầm của mình.


Thứ tư, quan trọng nhất, nó sẽ tiếp tục nuôi dưỡng oán hận. Oán hận và tha thứ là một cặp lưỡng nguyên, và cặp lưỡng nguyên luôn song hành và nuôi dưỡng nhau. Song hành, nghĩa là bởi có oán hận nên mới tồn tại cái gọi là tha thứ. Còn nuôi dưỡng nhau nghĩa là khi tâm trí bạn càng nghĩ nhiều về sự tha thứ, thì cái bóng của oán hận cũng lớn dần lên. Đơn giản là một khi bạn còn ý thức về sự tha thứ, thì oán hận vẫn sẽ còn đó. Bạn đã bao giờ bị tổn thương, rồi rộng lượng phi thường nói với người kia “tôi tha thứ cho anh”, để rồi ngay ngày hôm sau cảm thấy oán hận phát điên, oán hận cả sự tha thứ dễ dàng của mình chưa?


Bởi thế tha thứ không giúp ích gì cho bạn, thậm chí còn gây hại.


Vậy chúng ta phải làm gì với những nỗi đau của chúng ta đây? Tiếp tục oán hận?


Không, bạn có một con đường khác.


Bạn không chỉ có lựa chọn giữa tha thứ và oán hận. Bạn có một con đường khác.


Đó là sự buông bỏ.


Vấn đề là chúng ta thường đánh đồng buông bỏ với tha thứ. Có tha thứ thì mới buông bỏ được chứ? Nhưng không. Bạn không cần tha thứ để buông bỏ. Bản chất của chúng khác nhau.


Khi còn ý niệm về sự tha thứ, bạn vẫn đang ở trong câu chuyện, bạn vẫn đang tìm một thái độ với người kia. Bạn vẫn đang dính mắc với họ.


Còn khi buông bỏ, bạn “rời khỏi” người kia. Những hành vi họ đã làm không còn liên quan gì đến bạn nữa. Và bạn được tự do. Tự do khỏi sự oán hận, lẫn tha thứ.


Nhưng nói thì dễ, câu hỏi là làm sao thực hiện được sự tách rời bản thân này?


Chìa khóa ở đây là để tách bản thân khỏi người kia, bạn cần kết nối mình với một người khác.


Người đó là chính bạn.


Thử ví dụ một cậu bé hồn nhiên nọ bị người yêu ruồng bỏ một cách tàn độc tuyệt tình vào năm 20 tuổi. Ví dụ thôi, không có thật đâu.


Suốt nhiều năm trời cậu bé vật lộn với vết thương đó cùng những câu hỏi đến ám ảnh.


"Tại sao cô ấy phải bỏ mình bằng một cách cay đắng đến vậy?"


"Những gì mình nỗ lực trong ngần ấy năm giờ bị cô ấy phủ nhận hoàn toàn và trở nên vô nghĩa sao?"


"Mình không đủ tốt sao?"


Cho đến khi cậu bé hiểu được những gì cô gái kia làm không phải là vì cậu. Chúng tất cả vốn chỉ vì cô ấy.


Cô ấy dùng cách cay đắng để đi vì đó là cách duy nhất cô ấy có thể, không có nghĩa cô ấy muốn làm đau cậu, hoặc cậu xứng đáng bị đau.


Cô ấy rời đi vì cô ấy đã khác và cần những điều khác, không có nghĩa những nỗ lực, những điều cậu từng làm cho cô ấy không còn đáng quý hoặc bị phủ nhận.


Cô ấy đi vì cô ấy tìm kiếm những giá trị khác, không có nghĩa cậu không có giá trị, không đủ tốt.


Những gì cô ấy làm không liên quan đến cậu, nên cậu đừng tự gắn mình với chúng nữa. Hãy rời bỏ chúng, rời bỏ cô ấy. Đừng sợ rằng nếu rời bỏ cô ấy, cậu chỉ còn một mình. Đừng sợ rằng nếu không phải cô ấy thì không ai trân trọng những nỗ lực của cậu, không ai xót thương những nỗi đau của cậu.


Không phải đâu. Cậu có chính cậu mà.


Cậu đã làm gì những năm tháng đó, đã yêu nhiều thế nào, đã cố gắng vì cô ấy thế nào, đã tươi đẹp thế nào, chính cậu đã chứng kiến và trân trọng mà. Khi cô ấy ra đi cậu đã đau đớn ra sao, chính cậu đã thấu hiểu và thương xót mà. Và thế là đủ. Dù không có ai khác nhớ đến, trân trọng và xót thương cậu của ngày đó, nhưng chỉ cần cậu tự làm tất cả những điều đó, là đủ.


Cậu đúng là đã bị gây tổn thương, nhưng điều đó không lấy đi bất cứ thứ gì từ cậu cả. Cậu vẫn toàn vẹn.


Nên cậu không phải nạn nhân. Không có ai để cậu phải tha thứ. Tha cái thằng bố mày à.


Hihi tóm lại thì đừng có tha, mà hãy buông bỏ. Để buông bỏ thì hãy tách rời mình khỏi những gì người kia đã làm, chúng không liên quan đến bạn, không thay đổi hay phủ nhận thứ gì ở bạn. Và để tách rời thì hãy kết nối với chính mình, bạn không cô độc, đã có chính bạn chứng giám cách bạn đã sống, trân trọng nỗ lực bạn đã làm, xót thương nỗi đau bạn đã chịu.


Tách được rồi thì buông đi thôi, giữ nữa làm gì.

コメント


bottom of page